Triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn xã Tân Tập
Sáng ngày 02/07/2024, UBND xã Tân Tập tổ chức hội nghị triển khai và thực hiện kế hoạch phân loại rác tại nguồn trên địa bàn xã Tân Tập. PCT UBND xã – Nguyễn Thanh Tú chủ trì hội nghị.
Hình 1. Quang cảnh Hội nghị
Hiện nay, tình trạng 01 số hộ dân chưa phân loại rác thải tốt mà thải ra toàn bộ cho đơn vị thu gom để đem xử lý, có một số người dân chưa có ý thức còn xả rác bừa bãi ra đường gây mất vẻ mỹ quan.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định đến ngày 01/01/2025 sẽ phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt, đây là việc làm bắt buộc với tất cả hộ gia đình, cá nhân và được kỳ vọng là một bước đi đột phá để cải thiện tình trạng ô nhiễm và quá tải do rác thải sinh hoạt cũng như lãng phí tài nguyên từ rác.
Thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt được xã quan tâm và đã đạt được các kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, trong điều kiện tổ chức thu gom xử lý hiện nay chưa đảm bảo việc phân loại rác hoàn toàn theo quy định phân thành 03 loại: Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định. Do đó, viêc phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần tăng cường tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng, giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và giảm kinh phí xử lý rác.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2024 có 100% hộ gia đình, cộng đồng dân cư và tổ chức trên địa bàn xã thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải tại nguồn. Hội nghị đã triển khai cụ thể việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn thành 03 thùng rác riêng biệt như sau:
+ Thùng để chứa chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, hết hạn; các loại rau, củ, quả; các loại thực phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, …) được hộ gia đình sử dụng ủ vi sinh làm phân bón cho cây trồng.
+ Thùng để chứa chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: Có thể tận dụng các đồ dùng cũ (như giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải...) làm dụng cụ lưu chứa phù hợp giúp tiết kiệm chi phí. Đối với rác có thể tái chế, tái sử dụng: thu gom vào bao tải, túi đựng riêng để tận dụng dùng lại hoặc cho người cần sử dụng hoặc bán phế liệu hoặc chuyển giao trực tiếp cho đơn vị thu gom và trả phí dịch vụ theo quy định.
+ Thùng để chứa chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, chất thải khác còn lại...): thực hiện chuyển giao trực tiếp cho đơn vị thu gom và trả phí dịch vụ theo quy định. Riêng đối với chất thải nguy hại (rác độc hại): đựng vào túi nilon bền, kín sau đó chuyển giao cho Đơn vị thu gom rác có chức năng thu gom, xử lý và trả phí dịch vụ theo quy định.
Hình 2. Cách phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Phân loại và xử lý rác thải tại nguồn được triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích, không chỉ giúp giảm lượng rác phát sinh, tăng khả năng tái sử dụng, bảo vệ môi trường, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp ... mà quan trọng là giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của mỗi người dân.
PCT UBND xã – Nguyễn Thanh Tú yêu cầu hệ thống chính trị nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện phân loại rác tại nguồn. Đồng thời thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phân loại rác của các hộ gia đình, quan tâm thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác giúp tỷ lệ phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả. PCT UBND xã đề nghị, mỗi người dân cần tích cực, tạo ý thức chung trong việc phân loại rác thải vì một môi trường sống ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Hình 3. Ông Nguyễn Thanh Tú - PCT UBND xã phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị