image banner
Truyền thống lịch sử

Kể từ lúc có mặt trên vùng đất mới sinh cơ lập nghiệp cho đến đầu thế kỷ XX, quá trình lao động cần cù tạo lập cuộc sống của người dân Tân Tập cũng đồng thời với quá trình đấu tranh chống áp bức bất công của phong kiến và chống kẻ thù xâm lược. Nếu như ở thời kỳ khai phá, những đức tính quý báu như trung dũng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, siêng năng, lao động cần cù... của người dân Gia Định nói chung, người dân Tân Tập nói riêng có được từ truyền thống hàng nghìn năm lịch sử được củng cố bồi đắp, thì nay được phát huy mạnh mẽ khi kẻ thù xâm lược đặt chân lên mảnh đất quê hương.

Sau nhiều năm chuẩn bị, ngày 1-9-1858, thực dân Pháp nổ súng vào Đà Nẵng chính thức xâm lược nước ta. Sau khi thất bại trong ý đồ đánh nhanh thắng mau, tháng 2-1859, Pháp chuyển hướng tấn công vào Gia Định qua cửa biển Cần Giờ. Thành Gia Định sau đó cũng thất thủ (19.12.1859), báo một thời kỳ đầy biến động trong tiến trình lịch sử của Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Không nằm ngoài bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, nhân dân Tân Tập bước vào một thời kỳ mới: thời kỳ đứng lên chống lại thực dân Pháp trong phong trào đấu tranh vũ trang cuối thế kỷ XIX và phong trào yêu nước, tiến bộ trước khi có Đảng.

Ngay sau khi thành Gia Định thất thủ, đồng bào ta dưới sự chiêu mộ của những thân hào, nhân sĩ đã tổ chức thành những đội quân ứng nghĩa và các toán dân dũng tự phòng vệ các thôn xã kéo lên ngăn ở Sài Gòn-Chợ Lớn, không cho chúng đánh lấn ra các tỉnh ở Nam Kỳ. Cùng với nhân dân Cần Giuộc lúc bấy giờ, nhân dân Tân Tập đã góp mặt trong 5.800 người do Trần Thiện Chánh (nguyên là tri huyện bị triều đình Huế cách chức) và Lê Huy (trước là một võ quan bị thảy hồi) chặn đánh nhiều cuộc hành quân của giặc về phía tây thành Gia Định. Phong trào ứng nghĩa sục sôi này đã gây cho địch nhiều thiệt hại, làm chậm bước tiến của chúng.

Trong khi khắp lục tỉnh, nhân dân mộ binh ứng nghĩa, liên tục bao vây chặn đánh khiến cho địch chiếm được thành mà không lan ra được, hết sức lo ngại đã phải chuyển hướng tấn công ra Đà Nẵng, chỉ để một bộ phận làm nhiệm vụ trấn giữ, thì triều đình Huế với tư tưởng ngán ngại trước sức mạnh quân sự của giặc đã chủ trương “thủ để hòa” và cử danh tướng Nguyễn Tri Phương vào Nam lập đại đồn Chí Hòa để ngăn cản bước tiến của Pháp.

Ngày 28-2-1861, đại đồn Chí Hòa thất thủ. Tháng 3-1961, Pháp đánh xuống phủ Tân An, sớm chiếm đóng huyện lỵ Phước Lộc (Cần Giuộc) để làm bàn đạp tiến đánh Định Tường vì Cần Giuộc là vựa lúa sát nách Sài Gòn và là nơi có đường giao thông thủy thuận tiện đổ ra biển ăn thông với sông Vàm Cỏ để đi về Tiền Giang, Hậu Giang. Từ chỗ là một hậu phương, Tân Tập nói riêng, Phước Lộc -Tân An nói chung trở thành chiến trường.

Sau khi thất trận ở Đại đồn Kỳ Hòa, một số quân triều đình chạy lánh về vùng Cần Giuộc, Cần Đước hợp lực lượng nghĩa quân tiếp tục chống giặc. Cùng với nhân dân các làng ở Phước Lộc, nhân dân Tân Tập trong thời gian này đã có mặt trong những cánh quân của phong trào Trương Định do Phạm Tuấn Phát chỉ huy vùng Cần Giuộc liên tục kháng cự gây cho địch nhiều khó khăn.

Trong suốt một năm, phong trào đánh giặc giữ làng ở huyện Phước Lộc (Cần Giuộc - Cần Đước), trong đó có nhân dân Tân Tập liên tục phát triển dưới nhiều hình thức, thoắt ẩn, thoắt hiện, bao vây, tập kích đồn, phá lộ giao thông... Và tiếng vang của những trận đánh trong thời gian này mà tiêu biểu là trận Hỏa hồng Nhựt Tảo ngày 10.12.1861 và trận công đồn Tây Dương Cần Giuộc ngày 16.12.1861 làm thực dân Pháp phải bỏ các đồn Gò Công, Chợ Gạo... co cụm về Sài Gòn, nghĩa quân chiếm lại các đồn binh ở Cần Giuộc, Tân An.

Giữa lúc quân Pháp đang khốn đốn, thì triều đình Huế đi theo chủ trương cầu hòa, đã bỏ rơi nhân dân ứng nghĩa, ký hòa ước Nhâm Tuất (5-6-1862), cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho Pháp, trong đó có đất Phước Lộc, Tân Tập ngày nay. Điều đó cũng có nghĩa quân đội triều đình phải triệt thoái khỏi ba tỉnh này. Thủ lĩnh phong trào vũ trang kháng Pháp tỉnh Gia Định là Trương Định phải đi nhậm chức ở An Giang. Triều đình Nguyễn hàng giặc nhưng nhân dân thì hành động theo cách nghĩ của họ. Nhân dân Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công đã suy tôn Trương Định (ông chống lệnh giản binh) làm Bình Tây Đại nguyên soái tiếp tục chống Pháp, căn cứ ở Tân Hòa, Gò Công. Từ thời gian này, nhân dân Tân Tập cũng như đông đảo nhân dân các làng ở huyện Phước Lộc, tham gia vào chính quyền kháng chiến của phong trào Trương Định do Trương Định trực tiếp lãnh đạo", được phiên chế thành từng chi, từng toán tiếp ứng lẫn nhau, làm nhiệm vụ chống giặc, bảo vệ hương thôn, đóng góp lương thực cho kháng chiến.

Ngày 25-2-1863, Pháp mở cuộc tập kích lớn vào căn cứ Tân Hòa. Sau ba ngày chống cự anh dũng, nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Trương Định đã lui về Rừng Sác bên phía đông sông Soài Rạp, rồi sau đó lập căn cứ mới ở Cần Giuộc - Cần Đước. Tân Tập nằm trong khu vực này, cùng với nhân dân các làng đóng góp sức người sức của để Trương Định tái lập căn cứ, tiếp tục chống Pháp một thời gian nữa.

Sau khi Trương Định hy sinh (8-1864) do sự phản bội của tên Việt gian Huỳnh Văn Tấn ", các nhóm nghĩa quân thiếu người lãnh đạo, bị chia cắt và hoạt động phân tán dẫn đến tình trạng phân rẽ, cát cứ như Nguyễn Thông viết trong Lãnh binh Trương Định truyện là "đến khi Trương Định chết, nghĩa hào ai nấy đều xưng hùng, buông thả làm càn", phong trào võ trang kháng chiến ở Gia Định nói chung, Phước Lộc nói riêng, trong đó có Tân Tập suy yếu dần và nhanh chóng rơi vào thế bị chia cắt, bị đẩy lùi, đánh bại từng bước một. Từ đây, Cần Giuộc, trong đó có Tân Tập chính thức kết thúc phong trào đấu tranh võ trang và bước vào thời kỳ bị thực dân Pháp áp đặt hệ thống cai trị.

Trong cuộc chiến đối mặt với một kẻ thù mới với ưu thế về kinh tế và kỹ thuật, cùng với nhân dân các làng ở Cần Giuộc, nhân dân Tân Tập với truyền thống kiên cường bất khuất, đã không nề hy sinh, tổn thất, quyết tâm kháng chiến, bất chấp thái độ đầu hàng của triều đình phong kiến. Cuộc chiến đấu không cân sức đã không đạt được mục tiêu thắng giặc, giữ đất, giữ làng, nhưng tinh thần chiến đấu dũng cảm của người dân Tân Tập trong phong trào võ trang kháng Pháp cuối thế kỷ XIX làm sáng ngời truyền thống chống giặc giữ nước đã có tự bao đời của ông cha ta trên vùng đất mới.

Đó là nền tảng cho phong trào đấu tranh mới về sau, trước khi Đảng ra đời: phong trào yêu nước và tiến bộ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX

Sau khi đàn áp xong các cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Nam Kỳ, thực dân Pháp đã xây dựng và củng cố bộ máy cai trị để khai thác thuộc địa. Ở cấp tỉnh huyện, Pháp bãi bỏ hòan tòan cơ chế cũ, theo chế độ tham biện, đứng đầu là một viên tham biện chánh chủ tỉnh (Administrateur Chef de province). Đơn vị cai trị cơ sở là làng xã vẫn được duy trì. Tân Tập cũng như các làng xã khác bấy giờ, dân trong xã được xếp hạng thành tráng đinh (người có tài sản ít nhiều phải nộp thuế) và bạch đinh (người không có tài sản). Ban hội tề xã gồm 11 người, qui định trách nhiệm, quyền hạn từng người theo qui định của tòan quyền Đông Dương năm 1904. Để can thiệp mạnh hơn nữa vào việc quản trị làng xã, đến năm 1927, chúng tăng lên 12 người, đứng đầu là Hương Cả (nghị định ngày 30-10-1927). Song song với việc thiết lập bộ máy cai trị, thực dân Pháp thi hành các chính sách khai thác, khủng bố những người tham gia hoặc dính líu với phong trào vũ trang kháng Pháp trước đây, tước đọat ruộng đất biến họ thành những nông dân nghèo. Thành phần tay sai, thân Pháp nhân cơ hội lợi dụng các chính sách về đất đai của Pháp và nhiều thủ đọan khác nhau cướp đọat ruộng đất nông dân, trở thành lớp địa chủ mới. Tân Tập ở sát biển, người nông dân vốn nghèo phải làm tá điền cho địa chủ, chịu mọi sưu dịch, thuế má, lại càng chịu thiệt hại nặng nề sau trận bão 1904 (năm Giáp Thìn) làm cho đời sống của càng thêm cùng cực.

Sự áp bức về chính trị và sự bóc lột tàn bạo về kinh tế ở Nam Kỳ làm nảy sinh mâu thuẩn gay gắt trong xã hội. Đó là mâu thuẫn dân tộc với thực dân Pháp và mâu thuẫn giữa nhân dân ta (chủ yếu là nông dân) với địa chủ phong kiến tay sai. Đó là cơ sở kinh tế và xã hội cho những trào lưu đấu tranh mới khi có điều kiện.

Trong bối cảnh đó, ở Nam Kỳ xuất hiện một hình thức đấu tranh mới kết hợp vũ trang với chính trị, có tính chất quần chúng rộng rãi, ít nhiều mang màu sắc tôn giáo, mượn tôn giáo làm phương tiện tập hợp quần chúng, và nhanh chóng phát triển thành phong trào gọi là phong trào Hội kín, mục đích là chống bắt lính, chống chiến tranh, đi đến giải phóng dân tộc. Tiêu biểu cho phong trào này lúc bấy giờ là phong trào Thiên Địa hội của Phan Phát Sanh . Đông đảo nhân dân Cần Giuộc lúc bấy giờ, với lòng yêu nước nhiệt thành đã tham gia tổ chức này. Thủ lĩnh ở Cần Giuộc là ông Nguyễn Hữu Trí.

Hiện chưa có một con số cụ thể về số lượng, danh tính người tham gia, nhưng với việc hai cơ sở quan trọng nhất của Thiên Địa hội ở Cần Giuộc đều ở sát cạnh là Vĩnh Nghĩa Đường (Phước Vĩnh Đông) và Bến Vựa (Đông Thạnh), Tân Tập chắc chắn có một số lượng đông đảo tham gia tổ chức này. Cũng như các làng khác, người dân Tân Tập vốn bất mãn sâu sắc với chính quyền thuộc địa, ủng hộ Phan Xích Long với hy vọng được đổi đời đã tích cực đóng góp tiền của để làm áo mão, đồ dùng cho “Hoàng đế Phan Xích Long” và rèn đúc, chế tạo vũ khí, ngày đêm tập luyện võ nghệ, chờ ngày nổi dậy đánh Tây.

Cuộc nổi dậy của Phan Xích Long theo kế hoạch ngày 24-3-1913 và cuộc phả Khám Lớn Sài Gòn sau đó ngày 15-2-1916, đã bị thực dân Pháp phát hiện và đàn áp làm thất bại hòan tòan ... nhưng đã minh chứng cho tinh thần yêu nước, không khuất phục, sự bất mãn cao độ của người dân Tân Tập nói riêng, Cần Giuộc nói chung lúc bấy giờ, đồng thời cũng cho thấy phong trào nông dân ở địa phương nếu có sự lãnh đạo đúng đắn thì sức mạnh rất to lớn

Sau cuộc nổi dậy của Phan Xích Long, tình hình Cần Giuộc nói chung và Tân Tập nói riêng, về cơ bản tạm thời lắng xuống, không có cuộc bạo động hoặc đấu tranh chống Pháp nào nổ ra. Tuy nhiên nằm trên vùng đất sát Sài Gòn Chợ Lớn, những trào lưu yêu nước, những phong trào đấu tranh mới như phong trào Duy Tân, đám tang Phan Châu Trinh với 14 vạn người trong đó rất nhiều người ở Cần Giuộc ít nhiều đã tác động sâu sắc đến tâm hồn yêu nước của người dân Tân Tập; đặc biệt là phong trào Hội kín Nguyễn An Ninh những năm 1926-1928 đã bám rễ vào các cơ sở cũ của Thiên Địa hội, phát triển mạnh mẽ và sâu rộng ở Cần Giuộc (

Phong trào Hội kín Nguyễn An Ninh sau đó tan vỡ do không có tôn chỉ rõ ràng, tổ chức không chặt chẽ..., là sự kết thúc cho những trào lưu yêu nước trong giai đọan này nhưng là sự khởi đầu cho một thời kỳ mới thời kỳ của một tổ chức tiên tiến hơn, thời đại hơn, đủ khả năng lãnh đạo, dẫn lối, đưa đường cho dân tộc ta nói chung, nhân dân Tân Tập nói riêng, thoát khỏi đêm dài tăm tối.

Trải qua nhiều năm bền bĩ đấu tranh, nhân dân Tân Tập đã ghi thêm vào lịch sử khai phá của mình thêm nhiều thành quả đáng tự hào về thành tích chống ngoại xâm khi lần đầu tiên đối đầu với quân xâm lược, đã làm giàu thêm truyền thống văn hóa và lịch sử trên vùng đất này.

 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh